X

Đánh giá, so sánh ưu nhược điểm của ba hệ điều hành phổ biến Windows, Linux và MacOS

01.10.2020   6966 lượt xem

Nếu bạn vẫn còn mơ hồ về ba “anh chàng” này hoặc mới mua máy không biết nên sử dụng hệ điều hành nào thì đây là bài viết cho bạn đó. Hãy xem 3 hệ điều hành Windows, MacOS và Linux có những ưu nhược điểm gì nhé.

Hiện nay, có rất nhiều hệ điều hành (HĐH) để sử dụng cho một chiếc máy tính cá nhân, phục vụ đủ loại nhu cầu của người dùng, có thể kể tới như Windows, Linux, MacOS, Chrome OS, SteamOS, Syllable, SkyOS,... Do đó, bạn cần nắm rõ ưu và nhược điểm của từng nền tảng để có lựa chọn thích hợp cho chiếc máy tính của mình.

1. Windows - đứa con cưng của Microsoft

Nền tảng hệ điều hành này được ra mắt năm 1985 bởi Microsoft. Đã có nhiều phiên bản thông dụng như Windows XP, Windows 7, Windows 8 và đến nay là Windows 10.

Ngoài ra, các phiên bản khác Window 98, Windows 2000, Windows Vista, Windows Sever,… đã góp phần tạo nên một Windows thống lĩnh thị phần desktop, trở thành hệ điều hành thông dụng với hầu như tất cả người dùng trên toàn thế giới.

Với định hướng thiên về các tác vụ giải trí, làm việc văn phòng với kho ứng dụng đồ sộ và khả năng thích nghi cao với nhiều dòng máy tính trên thị trường, Windows giúp bạn có nhiều lựa chọn hơn khi mua máy tính và sử dụng hệ điều hành này.

Ưu điểm:

• Được nhiều nhà sản xuất phần cứng ưa chuộng: Hầu hết các nhà sản xuất máy tính hiện nay đều lựa chọn trang bị cho sản phẩm của mình hệ điều hành Windows, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều lựa chọn thương hiệu hơn khi mua máy tính, chẳng hạn như Asus, Acer, HP, Dell,...
• Kho ứng dụng phong phú: Windows được trang bị kho ứng dụng phong phú phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong môi trường văn phòng, giải trí, có thể dễ dàng giả lập các ứng dụng trên Android hoặc iOS.
• Đa dạng mức giá để lựa chọn: Dù bạn muốn mua những chiếc laptop giá rẻ hay những dòng cao cấp thì đều có thể trải nghiệm hệ điều hành Windows. Hệ điều hành này phủ kín mọi phân khúc giá, cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn.

Nhược điểm:

• Vẫn đề về bản quyền: Hiện nay số lượng hoặc tỷ lệ người sử dụng Windows "lậu" rất cao, đặc biệt ở Việt Nam. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng như mất dữ liệu, thông tin cá nhân, ảnh hưởng hiệu suất làm việc của thiết bị,...
• Vấn đề bảo mật: Do được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới nên Windows là mục tiêu ưu tiên của nhiều "Hacker" nổi tiếng, phần lớn các phần mềm có chứa virus đều được sinh ra dành cho Windows. 
• Hỗ trợ nâng cấp chưa thực sự tối ưu: Microsoft thường tung ra các bản cập nhật bổ sung, đi kèm với đó là những yêu cầu về phần cứng. Nếu cấu hình laptop không đủ mạnh, thiết bị đó sẽ không thể cập nhật bản nâng cấp mới này.

2. MacOS - Hệ điều hành độc quyền của quả táo cắn dở Apple 

MacOS thường được gọi vui là "Hệ điều hành không phải ai muốn sử dụng cũng được". Điều này phản ánh giá cả khá "chát" của các thiết bị sử dụng MacOS so với máy tính sử dụng Windows. 

Hệ điều hành này được ra mắt vào năm 1984, tính đến nay đã trải qua khá nhiều bản nâng cấp với tên gọi gắn với các con vật họ nhà mèo (chắc bác Steve Jobs thích mèo hoặc muốn truyền tải thông điệp MacOS hoạt động nhanh như cách những con vật họ mèo di chuyển): Cheetah, Puma, Jaguar, Panther, Tiger, Leopard, Snow Leopard, Lion…

Là một thành phần trong hệ sinh thái khép kín của Apple nên MacOS có khả năng tối ưu rất tốt với các thiết bị từ nhà Táo, cho khả năng vận hành mượt mà và ổn định.

Ưu điểm:

• Độ ổn định, bảo mật cao: Apple hạn chế cấp quyền cho bên thứ ba can thiệp vào hệ điều hành của họ, do đó bạn có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề bảo mật cũng như các tác nhân làm chậm hệ thống, đảm bảo trải nghiệm trơn tru nhất. 
• Tương thích với hệ sinh thái của Apple: Apple xây dựng một hệ sinh thái mà ở đó, người dùng có thể kết nối các thiết bị với nhau một cách dễ dàng. Người dùng Apple có thể sử dụng các ứng dụng iPhone, iPad ngay trên chiếc MacBook của họ.

Nhược điểm:

• Kho ứng dụng không phong phú: Dưới hệ sinh thái khép kín, Apple kiểm soát rất chặt chẽ các ứng dụng trước khi đưa lên cửa hàng ứng dụng, dẫn đến kho ứng dụng khá "hiu hắt" cho cộng đồng người dùng MacOS.
• Giá thành cao, khó tiếp cận: "Đắt đỏ" dường như đã trở thành nét đặc trưng cho các sản phẩm của Apple nên sẽ khó khăn cho người dùng hơn để có thể sở hữu một chiếc MacBook. Ngoài ra, các nhà sản xuất khác cũng không chọn MacOS làm hệ điều hành chạy trên thiết bị của họ. 

3. Linux - Hệ điều hành mã nguồn mở dành cho lập trình viên

Nếu Windows nổi bật ở sự dễ sử dụng, cân bằng về mọi mặt, MacOS nổi trội ở sự khó tính thì Linux lại là một hệ điều hành có thể thay đổi và sửa chữa bởi bất kỳ ai.

Lần đầu tiên ra mắt bởi người cha đẻ Linus Torvalds vào năm 1991 sau 3 năm trời làm việc liên tục - mọi thứ bắt đầu khi ông còn là sinh viên đại học Helsinki. Linux với môi trường làm việc mở, hệ điều hành này đã có các phiên bản tiếp theo được phát triển bởi các cộng đồng người dùng.

Đây là một hệ điều hành phát hành miễn phí cho người dùng và bất kỳ ai đều có thể sửa chữa hoặc thay đổi.

Hiện nay, có rất nhiều nhánh của HĐH này được phát triển nổi tiếng trên thế giới như: Ubuntu, Fedora, Linux Mint,... từ các công ty hoặc từ cộng đồng cùng nhau chia sẻ phát triển, nhưng phổ biến nhất là Ubuntu.

Ưu điểm:

• Bản quyền: Nếu bạn là một người có nguyên tắc và chú trọng đến vấn đề bản quyền thì đây là lựa chọn thích hợp. Linux được phát triển miễn phí cho người sử dụng và dựa trên nền tảng mã nguồn mở.
• Sử dụng ứng dụng miễn phí: Bạn vẫn có thể làm việc văn phòng qua ứng dụng OpenOffice và LibreOffice chuyên nghiệp như trên Microsoft Office trên Windows mà không phải mất tiền cho phí bản quyền và nhiều ứng dụng khác.
• Linux linh hoạt và bạn có nhiều lựa chọn: Để phù hợp với mục đích sử dụng bạn có nhiều phiên bản miễn phí được chia sẻ miễn phí từ cộng đồng sử dụng Linux chính vì nó có thể sửa chữa bởi bất kỳ ai. Ví dụ các phiên bản: Ubuntu sử dụng tương tự Windows, Ubuntu thường dùng máy tính cũ, có cấu hình không cao.

• Độ bảo mật cao: Cộng đồng người dùng Linux rất tập trung vào việc sửa lỗ hổng để đảm bảo tính an toàn khiến virus gần như không thể hoạt động trên nền tảng HĐH này. Chính vì thế, đây sẽ là một lựa chọn hệ điều hành lí tưởng cho người dùng chuộng tính năng bảo mật.

• Hoạt động mượt trên laptop giá rẻ: Nếu bạn đang sở hữu chiếc máy tính có cấu hình yếu thì cũng đừng lo ngại, vì sự đa dạng của cộng đồng người dùng hệ điều hành này nên sẽ không thiếu các phiên bản dành cho máy tính đời cũ hoặc cấu hình yếu.

Nhược điểm:

• Kho ứng dụng ít: Mặc dù có các phiên bản giả lập và phần mềm hỗ trợ chạy trên Linux nhưng vì đây là hệ điều hành dành cho lập trình viên, điều này sẽ gây khó khăn cho một số người dùng mới vì bạn phải tìm những bài viết hướng dẫn mỗi khi muốn chạy một ứng dụng nào đó.
• Hỗ trợ Drivers còn hạn chế: Một số nhà sản xuất không phát triển drivers hỗ trợ chạy trên nền tảng Linux, do đó, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng các ứng dụng, phần mềm.
• Khó làm quen: Nếu bạn đã quen thuộc với Windows thì sẽ mất một thời gian để quen thuộc với giao diện và cách sử dụng hệ điều hành Linux. 

4. Chọn hệ điều hành phù hợp với bạn

Tóm lại, mình đúc kết được một vài vấn đề như thế này:

  • Nếu bạn là lập trình viên hoặc sử dụng máy cấu hình thấp không đáp ứng nổi Windows hay MacOS thì hãy dùng Linux.
  • Nếu bạn muốn có thể chọn bất kỳ cấu hình, phần cứng nào bạn muốn mà không bị giới hạn, hãy chọn Windows.
  • Nếu bạn muốn chơi games, học tập hay sử dụng phần mềm văn phòng, hãy sử dụng Windows.
  • Nếu bạn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hãy thử MacOS.

Lưu ý: Đoạn đúc kết phía trên hoàn toàn dựa vào cảm nhận cá nhân của mình và mình dựa trên một số tính năng của từng loại hệ điều hành nên chẳng may có trái với ý của các bạn thì cho mình xin lỗi. Và bạn cần cân nhắc nhu cầu của mình, như mục đích dùng máy tính và khả năng chi trả trước khi lựa chọn hệ điều hành thích hợp cho mình.

Trên đây là bài viết tổng quát của mình về ưu nhược điểm 3 hệ điều hành Windows, Linux và MacOS. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Nếu có ý kiến hoặc đóng góp gì hay để lại ở bên dưới phần Comment để mình biết nhé!!
 

5 điểm / 1 bầu chọn

Bài viết khác

Chat Facebook
Chat Facebook
Call: 097.772.8880